"Cầu nối" giữa pháp luật và thực tiễn

- Chủ Nhật, 28/04/2024, 16:22 - Chia sẻ

Theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Bộ Quốc phòng; PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của các cơ quan, đơn vị. Đây cũng là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, có vai trò như "cầu nối" giữa pháp luật và thực tiễn cuộc sống.

Tích cực và toàn diện

Với đặc thù đóng quân rộng khắp trên địa bàn cả nước, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, lực lượng quân đội có rất nhiều thuận lợi khi tham gia PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát tờ rơi tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc. Nguồn: Bqp.vn
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phát tờ rơi tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc. Nguồn: Bqp.vn

Theo thống kê của Hội đồng Phối hợp PBGDPL (Bộ Quốc phòng), trong hơn 10 năm qua, đã có hàng chục Đề án về PBGDPL được triển khai, thực hiện; điển hình như Đề án "Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021"; Đề án "Tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng cho các tầng lớp nhân dân và công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2021"; Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Dân quân tự vệ"; Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023"; Đề án "Tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021 - 2025" và gần đây nhất là Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027"...

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, tổ chức gần 1.000 lượt đơn vị làm điểm về PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa trong "Ngày Pháp luật" để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn quân; tổ chức hơn 600 buổi hội thảo, tọa đàm về Luật Quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Dân quân tự vệ; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Biên phòng Việt Nam và các Nghị định, Thông tư liên quan đến quân sự, quốc phòng.

Đồng thời, biên tập, phát hành gần 178.900 bộ (4 đĩa) các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật; 400.000 cuốn tài liệu PBGDPL; 40.000 cuốn sách "Văn bản PBGDPL và nghiệp vụ PBGDPL"; 85.500 cuốn tài liệu "Kỹ năng PBGDPL cho nhân dân"; 770.000 tờ gấp pháp luật; 220 đầu sách pháp luật cấp cho các cơ quan, đơn vị; tập huấn cho hơn 10.000 lượt báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; phát hành 170 bản tin pháp luật; tổ chức 13 lần "Ngày hội Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông"...

Bên cạnh những nội dung PBGDPL theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị còn chú trọng thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình đơn vị, đặc điểm tâm lý của cán bộ, chiến sĩ... Toàn quân đã gắn công tác PBGDPL với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng các cuộc vận động, các phong trào, mang lại hiệu quả thiết thực.

Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Quốc phòng) cho biết, hiện nay, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền PBGDPL. Điển hình như mô hình "Ngày Pháp luật" trong Quân đội hay mô hình "Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, mỗi tuần một điều luật" nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Mô hình "Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý quân nhân" với hơn 4.500 tổ trong toàn quân, đã tư vấn, giúp đỡ hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; mô hình "Tuổi trẻ với pháp luật" được triển khai rộng rãi ở nhiều đơn vị với hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng, sinh động, đã thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên tham gia hưởng ứng... 

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên giảng dạy pháp luật, đội ngũ phóng viên, biên tập viên pháp luật không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng đã góp phần quan trọng đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân.

Quyết liệt và đồng bộ

Những năm tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại và bảo vệ, phát triển đất nước; việc phát huy vai trò của Quân đội trong triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL cũng như công tác tuyên truyền, PBGDPL cho bộ đội và nhân dân càng đặt ra cấp thiết.

Theo đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương cho rằng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nội dung, giải pháp; tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL.

Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh, đây là vấn đề có ý nghĩa tiên quyết, vì chỉ khi quán triệt nghiêm túc, nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về PBGDPL thì mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mới có thể thông suốt, tập trung nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực chất, hiệu quả.

Đặc biệt, cần xác định PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng; là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi cán bộ, chiến sĩ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải chịu trách nhiệm chính về kết quả công tác PBGDPL của cơ quan, đơn vị mình; lấy kết quả, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL ở từng cơ quan, đơn vị.

Để công tác tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, mang lại hiệu quả thực chất, theo Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 các cấp cần chủ động, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phát huy vai trò và thực hiện đầy đủ, có chất lượng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ phối hợp PBGDPL.

Đồng thời, phát huy tốt vai trò nòng cốt của các cơ quan chính trị, tư pháp, pháp luật và cơ quan báo chí trong tổ chức tuyên truyền, PBGDPL; vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, PBGDPL, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, nhất là cấp cơ sở.

Cùng với việc nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới về nội dung và hình thức PBGDPL theo hướng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, cơ quan, đơn vị, địa bàn; cần quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị huy động các nguồn lực bảo đảm công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở được triển khai toàn diện và đồng bộ. Theo đó, tăng cường biên soạn, phát hành tài liệu, sách, báo, pháp luật, các trang thiết bị cho các địa phương, đơn vị; củng cố hệ thống tủ sách pháp luật; bảo đảm có đủ các tài liệu, sách, báo pháp luật phục vụ cho cán bộ, nhân dân tự học tập, nghiên cứu.

Song song với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Ngoài ra, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tăng cường kiểm tra, phát hiện những khâu yếu; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong PBGDPL... Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Thanh Điểu
#